Từ 1.1.2025: Những việc thẩm phán không được làm

ĐOÀN LUẬT SƯ TỈNH ĐỒNG NAI

ĐOÀN LUẬT SƯ TỈNH ĐỒNG NAI

dong nai province bar association

Từ 1.1.2025: Những việc thẩm phán không được làm

13/07/2024 08:50 AM

Theo quy định mới, trường hợp khởi tố, bắt giữ, khám xét đối với thẩm phán TAND tối cao thì cơ quan điều tra phải báo cáo ngay Chủ tịch nước và thông báo cho Chánh án TAND tối cao biết.

Tại kỳ họp 7 khóa XV vừa qua, Quốc hội thông qua luật Tổ chức TAND năm 2024 có hiệu lực kể từ 1.1.2025, nhằm thay thế cho luật Tổ chức TAND năm 2014 đang có hiệu lực.

Luật Tổ chức TAND năm 2024 quy định rất nhiều chính sách mới liên quan đến chức danh tư pháp là thẩm phán.

Luật Tổ chức TAND năm 2024 được thông qua tại kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV

Theo quy định tại luật mới, thẩm phán có 2 ngạch: thẩm phán TAND tối cao và thẩm phán TAND. Trong đó, thẩm phán TAND tối cao do Chủ tịch nước bổ nhiệm căn cứ vào nghị quyết phê chuẩn của Quốc hội theo đề nghị của Chánh án TAND tối cao. Thẩm phán TAND do Chủ tịch nước bổ nhiệm theo đề nghị của Chánh án TAND tối cao.

Trường hợp thẩm phán TAND tối cao bị tạm giữ vì phạm tội quả tang hoặc bị bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở, nơi làm việc, cơ quan ra quyết định tạm giữ hoặc cơ quan điều tra phải báo cáo ngay Chủ tịch nước và thông báo cho Chánh án TAND tối cao biết.

Trường hợp thẩm phán TAND bị tạm giữ vì phạm tội quả tang hoặc bị bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở, nơi làm việc, cơ quan ra quyết định tạm giữ hoặc cơ quan điều tra phải thông báo ngay cho Chánh án TAND tối cao biết.

Quy định về việc khởi tố, bắt giữ thẩm phán phải báo cáo Chủ tịch nước hoặc thông báo cho Chánh án TAND tối cao từng nhận được nhiều ý kiến ngay từ giai đoạn xây dựng dự thảo.

Một số ý kiến cho rằng, việc bắt, giữ, khởi tố… đối với thẩm phán, kể cả thẩm phán TAND tối cao, đều được thực hiện theo quy định của bộ luật Tố tụng hình sự. Vì thế, việc đề xuất quy định một số "đặc thù" đối với thẩm phán là chưa phù hợp.

Nhiều ý kiến khác lại bày tỏ ủng hộ, bởi xét xử là hoạt động đặc thù của tòa án, nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chủ tịch nước và Chánh án TAND tối cao cần được biết nếu thẩm phán TAND tối cao hoặc thẩm phán TAND vi phạm pháp luật bị xử lý hình sự.

Theo Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình, việc báo cáo hoặc thông báo là để người được báo cáo, được thông báo biết, chứ không phải "quyền miễn trừ" của thẩm phán.

Sở dĩ phải báo cáo vì Chủ tịch nước là người bổ nhiệm chức danh thẩm phán TAND tối cao. Tương tự, nếu bắt thẩm phán TAND thì phải thông báo cho Chánh án TAND tối cao biết để có hình thức kỷ luật phù hợp.

"Cũng giống như quy định của Đảng, bắt đảng viên (vi phạm pháp luật - PV) thì phải báo cáo cho tổ chức Đảng để phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, chứ không phải để tôi ngăn cản anh không được bắt", ông Bình nói.

Các đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết đối với dự án luật Tổ chức TAND năm 2024

Những việc thẩm phán không được làm

Luật Tổ chức TAND năm 2024 còn quy định 10 nhóm hành vi mà thẩm phán không được phép làm. Trong số này, thẩm phán không được tư vấn cho bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác về vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết.

Thẩm phán không được đem hồ sơ vụ án, vụ việc hoặc tài liệu trong hồ sơ vụ án, vụ việc ra khỏi cơ quan, nếu không vì nhiệm vụ được giao hoặc không được sự đồng ý của người có thẩm quyền.

Không được tiếp bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác trong vụ án, vụ việc mà mình có thẩm quyền xét xử, giải quyết không đúng nơi quy định.

Không được lạm dụng, lợi dụng quyền lực; sách nhiễu, trì hoãn, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, bị can, bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác và người tiến hành tố tụng.

Đặc biệt, thẩm phán không được làm luật sư, công chứng viên, thừa phát lại, trọng tài viên, hòa giải viên, trợ giúp viên pháp lý, đấu giá viên, quản tài viên; tư vấn pháp lý cho pháp nhân thương mại; góp vốn vào công ty luật, văn phòng luật sư, văn phòng công chứng, văn phòng thừa phát lại, trung tâm trọng tài.

Vẫn theo quy định tại luật mới, thẩm phán đã ra bản án, quyết định mà bản án, quyết định đó bị hủy, sửa chỉ phải chịu trách nhiệm khi có lỗi chủ quan theo quy định của pháp luật.

Thẩm phán đương nhiên bị cách chức khi bị kết tội bằng bản án của tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc bị buộc thôi việc.

Nguồn: Báo Thanh Niên