Năm 2024, Sở Tư pháp tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra tình hình hoạt động của các tổ chức hành nghề (TCHN) luật sư trên địa bàn tỉnh. Qua đó, sở đã mạnh tay xử lý các trường hợp sai phạm theo đúng quy định pháp luật.
Phát hiện nhiều sai phạm
Phó giám đốc Sở Tư pháp Phan Quang Tuấn cho biết, ngay từ đầu năm 2024, lãnh đạo Sở Tư pháp đã quyết liệt chỉ đạo, đưa ra các biện pháp thực hiện quản lý nhà nước trong hoạt động luật sư. Theo đó, sở đã ban hành các kế hoạch kiểm tra, thanh tra chuyên ngành; tiến hành kiểm tra đột xuất tình hình tổ chức và hoạt động của các TCHN luật sư, luật sư có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Cụ thể, trong năm 2024, sở đã thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với 14 TCHN luật sư, phát hiện 10 TCHN luật sư có hành vi vi phạm và đã xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền trên 140 triệu đồng; đình chỉ hoạt động 1 văn phòng luật sư và 1 chi nhánh của văn phòng luật sư. Tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 1 luật sư, 1 TCHN luật sư và đình chỉ hoạt động 1 TCHN luật sư.
Sở Tư pháp cũng đã có văn bản đề nghị Đoàn Luật sư tỉnh xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm về đạo đức hành nghề luật sư.
Như mới đây, từ đơn thư phản ánh, tố cáo của công dân đối với luật sư L.H.L. (ở huyện Thống Nhất), sở đã tổ chức mời các bên liên quan đến làm việc. Kết quả, luật sư L. thừa nhận đã nhận làm dịch vụ hỗ trợ pháp lý cho người dân nhưng không ký kết hợp đồng ràng buộc giữa các bên. Hơn nữa, việc luật sư L. nhận thực hiện dịch vụ pháp lý với tư cách cá nhân, trong khi đang làm việc tại một TCHN luật sư là trái quy định của Luật Luật sư năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Ngoài nhắc nhở, sở đã chuyển nội dung vụ việc cho Đoàn Luật sư tỉnh xử lý kỷ luật đối với ông L. vì hành vi làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của nghề luật sư. Ngày 4-12-2024, Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh đã ban hành quyết định kỷ luật luật sư L. với hình thức khiển trách (thời hạn kỷ luật là 6 tháng kể từ ngày ban hành quyết định).
Theo Đoàn Luật sư tỉnh, thời gian qua, sự phối hợp giữa Sở Tư pháp và Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh được tăng cường, đảm bảo sự phối hợp được nhanh chóng, hiệu quả. Trong năm 2024, Đoàn Luật sư tỉnh tiếp nhận 11 vụ việc tranh chấp giữa luật sư, TCHN luật sư với khách hàng, trong đó đã giải quyết xong 10 vụ và 1 vụ đang giải quyết. Đoàn Luật sư tỉnh xử lý kỷ luật 4 luật sư với các hình thức: nhắc nhở, khiển trách, cảnh cáo. Đặc biệt, Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh đã ban hành các quyết định xóa tên khỏi danh sách đối với 3 luật sư: Phạm Đức Tính, Phan Văn Thắng và Nguyễn Duy Bá.
Cụ thể, luật sư Phạm Đức Tính (ngụ thành phố Biên Hòa) bị Tòa án nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh kết án 12 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Luật sư Phan Văn Thắng (ngụ thành phố Biên Hòa) bị Tòa án nhân dân tỉnh kết án 18 tháng tù về tội đưa hối lộ. Luật sư Nguyễn Duy Bá (ở thành phố Biên Hòa) đã có những vi phạm: khai báo không trung thực về quá trình công tác tại Công an tỉnh, không đủ điều kiện được miễn đào tạo nghề luật sư và miễn tập sự hành nghề luật sư theo quy định tại Điều 13 và Điều 16, Luật Luật sư; sử dụng giấy tờ không hợp pháp để xin cấp chứng chỉ hành nghề luật sư theo quy định và đã bị Chi bộ Đoàn Luật sư tỉnh phát hiện, xử lý kỷ luật Đảng. Trong quá trình hành nghề luật sư, luật sư Bá đã sử dụng danh nghĩa luật sư dưới pháp nhân không phải là TCHN luật sư để tư vấn cho nhiều khách hàng, gây nhầm lẫn và thiệt hại rất lớn về tài sản cho khách hàng, đến nay vẫn chưa khắc phục… Các hành vi của ông Bá đã vi phạm Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam và Điều lệ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị Triển khai công tác tư pháp năm 2025, Phó chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Bình đề nghị Đồng Nai cần tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động bổ trợ tư pháp, đặc biệt là tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, chú trọng công tác hậu kiểm, có giải pháp phòng ngừa, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật, nhất là lĩnh vực luật sư, công chứng…
Kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời
Tại buổi làm việc với Sở Tư pháp ngày 31-12-2024, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, luật sư Hà Mạnh Tường chia sẻ, để công tác phối hợp ngày càng hiệu quả hơn, kiến nghị Sở Tư pháp nên để thành viên của Đoàn Luật sư tỉnh tham gia vào các cuộc thanh tra, kiểm tra đối với các TCHN luật sư, luật sư trên địa bàn tỉnh. Đối với những trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất mang tính chất đặc thù và không thể phối hợp thì sở cần thông báo kết quả thanh tra, kiểm tra kịp thời để Đoàn Luật sư tỉnh nắm và dựa trên cơ sở đó có hướng giải quyết, xử lý theo quy định.
Những kiến nghị trên được Phó giám đốc Sở Tư pháp Phan Quang Tuấn ghi nhận và sẽ quan tâm hơn trong thời gian tới. Đồng thời, ông Tuấn đề nghị Đoàn Luật sư tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động TCHN luật sư trên địa bàn tỉnh và kịp thời cung cấp thông tin cho sở để xử lý khi phát hiện các hành vi vi phạm. Đồng thời, Đoàn Luật sư tỉnh phải mạnh tay xử lý những tổ chức, cá nhân sai phạm nhằm xây dựng Đoàn Luật sư tỉnh ngày càng uy tín, lớn mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Triển khai công tác tư pháp năm 2025, Phó chủ tịch UBND tỉnh Dương Minh Dũng yêu cầu Sở Tư pháp phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm, trong đó có lĩnh vực luật sư; kịp thời động viên, khích lệ các tập thể, cá nhân đã nỗ lực hoàn thành xuất sắc, đạt kết quả cao trong triển khai, tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao...
Tác giả: An Nhơn - Nguồn: Báo Đồng Nai