Hủy phán quyết trọng tài vì lý do “trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”: Thực trạng, bất cập và hướng hoàn thiện

ĐOÀN LUẬT SƯ TỈNH ĐỒNG NAI

ĐOÀN LUẬT SƯ TỈNH ĐỒNG NAI

dong nai province bar association

Hủy phán quyết trọng tài vì lý do “trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”: Thực trạng, bất cập và hướng hoàn thiện

18/07/2024 09:25 AM

 Hủy phán quyết trọng tài là một chế định cho phép tòa án giám sát việc áp dụng pháp luật của hội đồng trọng tài. Các căn cứ để hủy phán quyết trọng tài được quy định tại Điều 68 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, trong đó có căn cứ hủy phán quyết trọng tài vì lý do “trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”. Việc áp dụng quy định hủy phán quyết trọng tài vì lý do nêu trên, thực tiễn thời gian qua đã phát sinh một số bất cập gây hiệu ứng tiêu cực cho quá trình thi hành phán quyết trọng tài, làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Bài viết phân tích thực trạng, nhận dạng một số bất cập, từ đó đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.

Ảnh minh hoạ.

Đặt vấn đề

Trọng tài thương mại là một cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài tòa án, do các bên lựa chọn một cách tự nguyện. Ngày 17/6/2010 Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Trọng tài thương mại (Luật TTTM 2010)(1) đánh dấu một giai đoạn mới của pháp luật về trọng tài ở Việt Nam. Trước đó, từ năm 1995 Việt Nam cũng đã tham gia Công ước New York 1958 về công nhận và thi hành các phán quyết của trọng tài nước ngoài(2). Theo Báo cáo khảo sát năm 2021 của Trường Đại học Queen Mary London, 90% số người được hỏi cho rằng trọng tài là phương thức ưa thích để giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế(3). Tại Việt Nam, theo Báo cáo PCI năm 2016 và 2017, kết quả khảo sát cho thấy một xu thế mới trong lựa chọn của doanh nghiệp khi giải quyết các tranh chấp, đó là trọng tài thương mại.

Một trong những đặc điểm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài đó là phán quyết trọng tài có tính chất chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Vì phán quyết trọng tài là kết quả của trình tự xét xử một cấp và có giá trị chung thẩm, nên để bảo đảm phán quyết trọng tài được ban hành theo đúng quy định về trình tự, thủ tục, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên; pháp luật về trọng tài cho phép tòa án được can thiệp vào phán quyết bằng cơ chế hủy phán quyết trọng tài. Sự can thiệp của tòa án qua cơ chế hủy phán quyết trọng tài nhằm mục đích giám sát sự tuân thủ pháp luật trong quá trình ban hành phán quyết trọng tài, giúp nâng cao uy tín, vị thế của trọng tài, từ đó góp phần chia sẻ áp lực xét xử của tòa án.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, mặc dù là một phương thức ngày càng được các bên tranh chấp có xu hướng lựa chọn, nhưng việc thi hành các phán quyết trọng tài (bao gồm cả các phán quyết của trọng tài trong nước và trọng tài nước ngoài tại Việt Nam) còn nhiều bất cập. Một trong những lý do gây ra tình trạng này là số lượng phán quyết trọng tài bị tòa án Việt Nam tuyên hủy hoặc từ chối công nhận khá cao, khiến cộng đồng doanh nghiệp hoang mang, làm giảm uy tín của cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, gây hiệu ứng tiêu cực cho môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Tuy chưa có số liệu thống kê tổng thể và chính xác về tỷ lệ hủy và từ chối công nhận phán quyết trọng tài trên phạm vi cả nước trong hơn mười năm qua kể từ khi Luật TTTM 2010 có hiệu lực, nhưng số liệu tổng kết của riêng Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) - Trung tâm Trọng tài có số lượng xét xử nhiều nhất trong cả nước - cho thấy, từ năm 2003 - 2015, có 46 phán quyết trọng tài của VIAC đã bị đệ trình lên tòa án yêu cầu xem xét hủy, kết quả là 19 phán quyết trong số đó bị tòa án tuyên hủy (chiếm tỷ lệ 41,4%); trong giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ hủy phán quyết còn cao hơn, lên tới 50% số đơn yêu cầu hủy được tòa án chấp nhận(4).

Theo số liệu thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, từ năm 2005 đến năm 2014, có 52 đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài được đệ trình đến các tòa án có thẩm quyền tại Việt Nam, và gần 50% trong số đó (24/52) đã bị từ chối(5). Đây là một tỷ lệ từ chối rất cao so với thực tế thi hành phán quyết trọng tài tại các quốc gia và khu vực khác trên thế giới. Trong Báo cáo thường niên năm 2015 của Nhóm công tác đầu tư và thương mại tại Việt Nam do chuyên gia Fred Burke trình bày, Nhóm công tác đã đưa ra nhận định rằng tình hình thi hành phán quyết của trọng tài quốc tế tại Việt Nam ở mức thấp đáng báo động(6).

Các căn cứ hủy phán quyết trọng tài

Chế định hủy phán quyết trọng tài được quy định tại Luật TTTM 2010 (Điều 68 đến Điều 72) và Điều 14 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP) hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật TTTM 2010, trong đó quy định cụ thể về căn cứ, trình tự, thủ tục yêu cầu và xem xét hủy phán quyết trọng tài. Hủy phán quyết trọng tài là một trình tự pháp lý, theo đó một bên tranh chấp được quyền yêu cầu tòa án hủy phán quyết trọng tài nếu có đủ căn cứ chứng minh rằng trọng tài đã ban hành phán quyết thuộc một trong các trường hợp bị hủy theo quy định tại khoản 2 Điều 68 Luật TTTM 2010, trong đó có căn cứ hủy do “phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”, một trong những căn cứ được tòa án Việt Nam viện dẫn khá thường xuyên khi ban hành quyết định hủy phán quyết trọng tài.

Liên quan đến căn cứ hủy phán quyết trọng tài vì lý do trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, số 01/2014/NQ-HĐTP đã hướng dẫn tại điểm đ khoản 2 Điều 14 như sau:

“Phán quyết trọng tài “trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” là phán quyết vi phạm các nguyên tắc xử sự cơ bản có hiệu lực bao trùm đối với việc xây dựng và thực hiện pháp luật Việt Nam.

Khi xem xét yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, tòa án phải xác định được phán quyết trọng tài có vi phạm một hoặc nhiều nguyên tắc cơ bản của pháp luật và nguyên tắc đó có liên quan đến việc giải quyết tranh chấp của trọng tài.

Tòa án chỉ hủy phán quyết trọng tài sau khi đã chỉ ra được rằng phán quyết trọng tài có nội dung trái với một hoặc nhiều nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam mà hội đồng trọng tài đã không thực hiện nguyên tắc này khi ban hành phán quyết trọng tài và phán quyết trọng tài xâm phạm nghiêm trọng lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của một hoặc các bên, người thứ ba”.

Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP cũng đưa ra hai ví dụ minh họa cho nội dung hướng dẫn nêu trên.

Ví dụ 1: Các bên đã tự nguyện thỏa thuận về việc giải quyết tranh chấp và thỏa thuận này không trái pháp luật, đạo đức xã hội nhưng hội đồng trọng tài không ghi nhận sự thỏa thuận đó của các bên trong phán quyết trọng tài. Trong trường hợp này phán quyết trọng tài đã vi phạm nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết trong lĩnh vực thương mại quy định tại Điều 11 Luật Thương mại và Điều 4 của Bộ luật Dân sự... Tòa án xem xét, quyết định việc hủy phán quyết trọng tài này vì trái nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam đã được Luật Thương mại và Bộ luật Dân sự… quy định.

Ví dụ 2: Một bên tranh chấp cung cấp chứng cứ chứng minh phán quyết trọng tài được lập có sự cưỡng ép, lừa dối, đe dọa hoặc hối lộ. Trong trường hợp này phán quyết trọng tài đã vi phạm nguyên tắc “trọng tài viên phải độc lập, khách quan, vô tư” quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật TTTM.

Thực tiễn áp dụng

Trong số các căn cứ hủy phán quyết trọng tài theo quy định tại khoản 2 Điều 68 Luật TTTM 2010, mặc dù không có số liệu thống kê riêng rẽ về từng căn cứ hủy phán quyết, nhưng thực tiễn cho thấy một số hội đồng xét yêu cầu hủy phán quyết của tòa án đã viện dẫn khá thường xuyên căn cứ hủy phán quyết trọng tài vì lý do trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Dưới đây là một số ví dụ minh họa:

(1) Quyết định số 08/2019/ QĐ-PQTT ngày 25/7/2019 của Tòa án nhân dân TP. Hà Nội hủy phán quyết của VIAC vì lý do trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, cụ thể là nguyên tắc bình đẳng được quy định tại Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015. Hai yếu tố được Hội đồng xét yêu cầu của Tòa án viện dẫn để chứng minh sự vi phạm nguyên tắc bình đẳng, phân biệt đối xử không công bằng, đó là: (i) bị đơn A có nghĩa vụ phải thanh toán cho nguyên đơn K toàn bộ số tiền, số tiền đó quá hạn thanh toán nhưng mới chỉ được A thanh toán một phần; Hội đồng trọng tài bác yêu cầu của K đối với các khoản nợ của A theo chứng từ từ số 34 đến 38 và chỉ chấp nhận khoản nợ theo chứng từ số 33 là không phù hợp, không khách quan; (ii) nguyên đơn K không hoàn thành công trình phải bồi thường thiệt hại do chậm trễ, nhưng Hội đồng trọng tài đã chấp nhận yêu cầu kiện lại của bị đơn A về chi phí xây dựng bổ sung là không phù hợp, trong khi đó yêu cầu khởi kiện của K đối với các chứng từ thanh toán lại không được Hội đồng chấp thuận; trong vụ việc này Hội đồng trọng tài đã phân biệt đối xử không công bằng với nguyên đơn K, vi phạm các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam được quy định tại Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015.

(2) Quyết định số 07/2019/QĐ- PQTT ngày 18/7/2019 của Tòa án nhân dân TP. Hà Nội hủy phán quyết của VIAC vì lý do vi phạm nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, cụ thể là nguyên tắc đối xử công bằng, bình đẳng giữa các bên. Lập luận của Tòa án là: trong khi Hội đồng trọng tài cho phép nguyên đơn bốn lần sửa đổi đơn khởi kiện, thì Hội đồng lại không ghi nhận các tài liệu do bị đơn xuất trình, như vậy là không công bằng, bình đẳng, là vi phạm các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam được quy định tại Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015.

(3) Mới đây nhất, ngày 04/7/2023 Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 12/2023/QĐ-PQTT hủy phán quyết của VIAC vì một số lý do, trong đó có các lý do sau: (i) tài liệu sử dụng trong phán quyết không được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 111/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011(7) và (ii) Hội đồng trọng tài đã vi phạm nguyên tắc khách quan khi giải quyết tranh chấp. Lập luận của Hội đồng xét yêu cầu của Tòa án như sau: (i) Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự là những đạo luật gốc cơ bản, khi các luật khác không quy định thì áp dụng Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự (được coi là quy định pháp luật tương ứng) để giải quyết. Trong vụ việc này được hiểu là khi Luật TTTM và các văn bản hướng dẫn không quy định về việc hợp pháp hóa lãnh sự thì được áp dụng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, theo đó, Điều 478 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã quy định “giấy tờ, tài liệu và bản dịch tài liệu có công chứng, chứng thực đã được hợp pháp hóa lãnh sự”; vì vậy “VIAC đã thụ lý yêu cầu của nguyên đơn khi các tài liệu này chưa được hợp pháp hóa lãnh sự là không đúng quy định”; (ii) Bị đơn có văn bản đề nghị Hội đồng trọng tài trưng cầu giám định chữ ký của bà Jareeporn Jarukornsakul trên Nghị quyết của Hội đồng quản trị nhưng không được Hội đồng trọng tài chấp nhận và Hội đồng trọng tài vẫn chấp nhận văn bản Nghị quyết nói trên; Hội đồng xét đơn (Tòa án) cho rằng nhận định này của Hội đồng trọng tài thể hiện sự không khách quan vì theo quy định tại khoản 3 Điều 46 Luật TTTM, hội đồng trọng tài tự mình hoặc theo yêu cầu của một trong các bên có quyền trưng cầu giám định để làm căn cứ cho việc giải quyết tranh chấp, trong khi đó Hội đồng trọng tài đã không trưng cầu giám định khi bị đơn có yêu cầu là thể hiện sự không khách quan, là vi phạm nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật TTTM nên yêu cầu về việc hủy phán quyết trọng tài là có căn cứ theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 68 Luật TTTM(8).

Nhận dạng nguyên nhân và kiến nghị giải pháp hoàn thiện

Chưa có sự giải thích thỏa đáng những khái niệm liên quan

Từ thực tiễn áp dụng chế định hủy phán quyết trọng tài tại Việt Nam vì lý do trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, có thể nhận thấy, mặc dù đã có hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP, một số hội đồng xét yêu cầu của tòa án vẫn có xu hướng viện dẫn một cách rộng rãi, đôi khi khá tùy tiện, nhiều quy định tại các văn bản pháp luật khác nhau, trong đó bao gồm cả các nguyên tắc không cơ bản, để làm căn cứ hủy hoặc từ chối công nhận phán quyết trọng tài. Các quy định đó có thể nằm trong các đạo luật chung như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, đến các luật chuyên ngành như Luật Thương mại, Luật Xây dựng, Luật Công chứng…; thậm chí, hội đồng xét yêu cầu có thể toàn quyền viện dẫn cả các văn bản dưới luật như các nghị định của Chính phủ, thông tư của các bộ… Phạm vi các nội dung được viện dẫn cũng vô cùng rộng, từ nguyên tắc đối xử công bằng, bình đẳng giữa các bên; đến việc tuân thủ các quy định về hình thức hợp đồng, giấy phép xây dựng; thậm chí cả quy định về con dấu, hợp pháp hóa lãnh sự, giám định chữ ký…; tất cả đều có thể được “nhét chung vào một cái rọ” đó là “các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”.

Các quy định nói trên đều là quy định phải tuân thủ trong hệ thống pháp luật Việt Nam, việc không tuân thủ các quy định đó là sự vi phạm. Tuy nhiên, liệu có phải tất cả các quy định đó đều là “các nguyên tắc cơ bản”; và sự vi phạm đó đều “xâm phạm nghiêm trọng” đến lợi ích của nhà nước và các bên? Tranh chấp kinh doanh thương mại có phạm vi rất rộng, bao hàm nhiều lĩnh vực với rất nhiều quy định nằm trong các luật chung, luật chuyên ngành, trong các văn bản dưới luật; có những quy định chỉ tác động và điều chỉnh quan hệ giữa các bên, hoặc quan hệ của các bên với cơ quan, tổ chức nhà nước (đó là việc giữa họ với nhau); nhưng cũng có những quy định qua đó nhà nước thể hiện thái độ của mình trong việc bảo đảm trật tự chung về an ninh kinh tế, chính trị, trật tự an toàn của cả xã hội. Vậy giữa hàng loạt những quy định đó, quy định nào được coi là “nguyên tắc cơ bản”? Và vi phạm các nguyên tắc đó đến mức độ nào thì dẫn đến hủy phán quyết? Liệu có phải bất cứ sự không tuân thủ, không thực hiện đối với tất cả các quy định của pháp luật Việt Nam đều có thể bị đánh giá là “trái nguyên tắc cơ bản” dẫn đến phán quyết phải bị hủy hay không?

Điểm đ khoản 2 Điều 14 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP đã có một bước tiến ý nghĩa khi giải thích nội hàm của quy định “vi phạm các nguyên tắc cơ bản”, đó là “vi phạm nguyên tắc xử sự cơ bản có hiệu lực bao trùm đối với việc xây dựng và thực hiện pháp luật Việt Nam”. Về mức độ vi phạm, Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP cũng quán triệt tinh thần, theo đó, phán quyết trọng tài chỉ có thể bị hủy (theo căn cứ tại điểm đ khoản 2 Điều 68 Luật TTTM) khi “vi phạm nghiêm trọng lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của một bên hoặc các bên, người thứ ba”. Có nghĩa là khi đánh giá sự vi phạm của phán quyết trọng tài theo căn cứ này, điều tòa án phải cân nhắc trước tiên là nguyên tắc bị vi phạm có phải là nguyên tắc “có hiệu lực bao trùm” không, nguyên tắc bị vi phạm có liên quan đến việc giải quyết tranh chấp của hội đồng trọng tài không; tiếp theo, tòa án cần đánh giá sự vi phạm đó có đến mức “xâm phạm nghiêm trọng” lợi ích Nhà nước, các bên, người thứ ba hay không rồi mới ban hành quyết định. Hướng dẫn này của Nghị quyết số 01/2014/ NQ-HĐTP cần được hiểu theo tinh thần, rằng phán quyết trọng tài có thể có vi phạm, nhưng nếu sự vi phạm đó không phải là vi phạm “các nguyên tắc có hiệu lực bao trùm”; và sự vi phạm đó tuy có tồn tại nhưng không đủ đến mức “xâm phạm nghiêm trọng” lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích của các bên, người thứ ba thì không thể dẫn đến việc hủy phán quyết. Có thể nói, một số hội đồng xét yêu cầu của tòa án đã chưa hiểu đúng tinh thần của điểm đ khoản 2 Điều 14 Nghị quyết số 01/2014/ NQ-HĐTP và phần nào đã quá lạm dụng khi viện dẫn căn cứ vi phạm các “nguyên tắc cơ bản” của pháp luật Việt Nam; điều này đã đóng góp một phần quan trọng làm cho tỷ lệ hủy phán quyết trọng tài cao như hiện nay.

Riêng đối với việc vi phạm quy định về hợp pháp hóa lãnh sự, trong tài liệu Sổ tay pháp luật về trọng tài và hòa giải do Tòa án nhân dân tối cao và World Bank Group phát hành năm 2017 đã đưa ra giải thích rất rõ ràng như sau: “Pháp luật trọng tài không yêu cầu tài liệu xuất trình tại trọng tài phải công chứng và hợp pháp hóa lãnh sự, và việc tài liệu không được công chứng hay hợp pháp hóa lãnh sự không được coi là trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam và không được coi là căn cứ để hủy phán quyết trọng tài”(9).

Việc xem xét, đánh giá một phán quyết trọng tài có trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam hay không phụ thuộc một phần vào quan điểm, nhận thức, trình độ nghiệp vụ của những người trực tiếp làm công tác áp dụng pháp luật; nhưng mặt khác, điều này cũng phụ thuộc rất nhiều vào sự hướng dẫn, giải thích của Tòa án nhân dân tối cao. Với điểm đ khoản 2 Điều 14 Nghị quyết số 01/2014/ NQ-HĐTP, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã rất nỗ lực giải thích và một số khía cạnh đã được giải thích đúng trọng tâm; tuy nhiên, sự giải thích này lại chưa đủ cụ thể, rõ ràng, thậm chí vẫn còn khá mơ hồ. Ví dụ, thế nào là một nguyên tắc “có hiệu lực bao trùm”? Liệu việc vi phạm hình thức hợp đồng có bị coi là vi phạm nguyên tắc bao trùm hay không? Hoặc việc giám định chữ ký, liệu có nên đòi hỏi nó phải trở nên bắt buộc như là một biện pháp duy nhất có tính chất “bao trùm” để xác minh tính xác thực của văn bản hay không; trong khi với công nghệ hiện nay, người ta có thể dễ dàng biết được giá trị nguyên gốc của văn bản bằng nhiều biện pháp, ví dụ như công nghệ chữ ký số… Bên cạnh đó, các ví dụ minh họa trong Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP về căn cứ “trái với các nguyên tắc cơ bản” chưa thể hiện được tiêu chí vi phạm đến mức độ nào được coi là “xâm phạm nghiêm trọng”, khiến những người trực tiếp áp dụng pháp luật chưa có nhận thức thống nhất, dẫn đến việc lạm dụng căn cứ này trong quá trình xem xét, giải quyết việc thi hành phán quyết trọng tài.

Phạm vi áp dụng quá rộng căn cứ hủy phán quyết trọng tài

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, một số hội đồng xét yêu cầu của tòa án đã áp dụng một cách quá dễ dãi căn cứ hủy phán quyết trọng tài vì lý do vi phạm nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Hậu quả của việc phán quyết trọng tài bị hủy hay bị từ chối công nhận với những căn cứ thiếu thuyết phục sẽ khiến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài giảm lòng tin vào thiết chế trọng tài Việt Nam nói riêng cũng như cơ chế trọng tài nói chung, từ đó đánh giá thấp môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Điều V(2)b Công ước New York 1958 về công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài quy định: “Việc công nhận và thi hành phán quyết trọng tài có thể bị từ chối nếu cơ quan có thẩm quyền ở quốc gia nơi công nhận và cho thi hành thấy rằng việc công nhận và thực thi phán quyết sẽ trái với chính sách công của quốc gia đó”. Việt Nam đã tham gia Công ước này từ 12/9/1995; nhiều quy định của Công ước đã được nội luật hóa trong Luật TTTM 2010 và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Một điểm cần lưu ý là Công ước New York sử dụng thuật ngữ “Public Policy” được dịch ra tiếng Việt là “chính sách công”. Tuy nhiên, Công ước New York lại không giải thích cụ thể về nội hàm thuật ngữ này, vì vậy, một số quốc gia đã sử dụng thuật ngữ tương đương thay thế như “Public Order” - trật tự công; hay một số ít quốc gia như Việt Nam, lại sử dụng cụm từ “nguyên tắc cơ bản” thay cho thuật ngữ “chính sách công”.

Dù việc sử dụng thuật ngữ không đồng nhất khi áp dụng quy định của Điều V(2)b, nhưng đại đa số các quốc gia thành viên của Công ước đều thống nhất về các khía cạnh của quy định này như sau:

Thứ nhất, “chính sách công”, theo Báo cáo cuối cùng của Hiệp hội Luật quốc tế (ILA), được hiểu theo các tiêu chí như sau: (i) chính sách công bao gồm những nguyên tắc cơ bản của pháp luật, liên quan đến công lý và đạo đức mà quốc gia đó mong muốn bảo vệ; (ii) chính sách công bao gồm cả chính sách công quốc gia và chính sách công quốc tế; (iii) nguyên tắc cơ bản là những nguyên tắc được quy định để phục vụ các mục tiêu chính trị, xã hội thiết yếu hoặc phục vụ lợi ích kinh tế của quốc gia; (iv) các quốc gia có nghĩa vụ tôn trọng (chính sách công, nguyên tắc cơ bản) của các quốc gia khác hoặc các tổ chức quốc tế(10).

Báo cáo nêu trên của ILA cũng nêu ra một số ví dụ rất ngắn gọn diễn giải cho các tiêu chí nói trên như sau: về nguyên tắc cơ bản đó là quy định về việc cấm lạm dụng quyền; vi phạm nguyên tắc về thủ tục đó là quy định các cơ quan xét xử phải vô tư; vi phạm chính sách công là vi phạm quy định chống độc quyền, chống tham nhũng; nghĩa vụ tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế đó là nghĩa vụ của Liên hợp quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt. Báo cáo ILA cũng khuyến cáo: Khi tòa án xác minh sự phù hợp của phán quyết trọng tài với các nguyên tắc cơ bản, dù là về thủ tục hay nội dung, tòa án cần viện dẫn những nguyên tắc được coi là cơ bản trong hệ thống pháp luật của mình hơn là các quy định trong bối cảnh luật hợp đồng, hay luật về địa điểm thực hiện hợp đồng, hoặc luật về nơi xét xử trọng tài.

Thứ hai, phạm vi áp dụng quy định của Điều V(2)b là rất hẹp, theo nghĩa các quốc gia đều rất hạn chế áp dụng căn cứ này để từ chối công nhận phán quyết trọng tài. Báo cáo của ILA đã chỉ rõ quan điểm tiếp cận khi áp dụng quy định này như sau: Tòa án chỉ nên từ chối công nhận phán quyết có nội dung vi phạm quy định về chính sách công khi: (i) pháp luật của quốc gia đó đã có quy định về chính tình huống có liên quan của phán quyết trọng tài mà nội dung của phán quyết trọng tài lại trái với quy định đó; và (ii) việc công nhận hoặc thi hành phán quyết rõ ràng sẽ làm phá vỡ các lợi ích chính trị, xã hội hoặc kinh tế thiết yếu được bảo vệ bởi các chính sách công này.

Trong Báo cáo đánh giá, so sánh quy định pháp luật Việt Nam về công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài với Luật Mẫu UNCITRAL, đề xuất khả năng áp dụng Luật Mẫu tại Việt Nam của Bộ Tư pháp và UNDP, các tác giả đã nghiên cứu so sánh việc áp dụng quy định của Điều V(2)b tại 7 quốc gia và thiết chế khu vực (Singapore, Đặc khu hành chính Hồng Kông, Australia, New Zealand, Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản). Kết quả nghiên cứu cho thấy, các quốc gia và thiết chế khu vực nói trên đều có quan điểm tiếp cận rất nghiêm ngặt và hạn hẹp khi áp dụng căn cứ từ chối công nhận phán quyết trọng tài vì lý do vi phạm chính sách công. Quan điểm của các quốc gia này là ủng hộ việc công nhận và thi hành các phán quyết trọng tài, phạm vi từ chối công nhận chỉ áp dụng đối với các phán quyết được chứng minh chắc chắn là vi phạm các quan niệm cơ bản nhất về đạo đức và công lý của quốc gia đó. Việc vi phạm chính sách công rất ít khi trở thành căn cứ hủy phán quyết trọng tài tại các quốc gia đó(11). Nhìn sang một số quốc gia khác cho thấy, ví dụ trong năm 2022, tỷ lệ hủy bỏ phán quyết trọng tài ở Ả Rập Xê Út khoảng 8% và không có trường hợp nào phán quyết trọng tài bị hủy bỏ do vi phạm chính sách công(12). Tình hình cũng tương tự như vậy ở Hoa Kỳ, CHLB Đức, CH Pháp và một số quốc gia khác. Cũng nên nhắc lại rằng, mục tiêu của Công ước New York là tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành phán quyết trọng tài và Điều V(2)b chỉ là trường hợp ngoại lệ. Điều đó cũng có nghĩa là, về nguyên tắc, các quốc gia cần có chính sách thúc đẩy cho việc thi hành phán quyết trọng tài, việc từ chối công nhận phán quyết chỉ nên áp dụng trong những trường hợp đặc biệt chứ không phải là một phương thức nên tiếp cận rộng rãi. Từ những bất cập như đã phân tích nêu trên, chúng tôi cho rằng, chế định hủy phán quyết trọng tài cần được sửa đổi trong thời gian tới khi Luật TTTM 2010 đã được đưa vào kế hoạch sửa đổi, bổ sung; đồng thời, các quy định tương ứng có liên quan trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cũng cần được sửa đổi. Trong đó, căn cứ hủy phán quyết trọng tài (hoặc căn cứ từ chối công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài) vì lý do “trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” nên được hoàn thiện theo hướng:

(1) Không sử dụng thuật ngữ trái với “các nguyên tắc cơ bản” khi quy định về căn cứ hủy phán quyết trọng tài hoặc căn cứ từ chối công nhận phán quyết của trọng tài nước ngoài, mà nên sử dụng thuật ngữ trái với “chính sách công” hoặc trái “trật tự công”. Việc sử dụng thuật ngữ “nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” khiến độ phủ của thuật ngữ này trở nên rất rộng; người áp dụng có thể viện dẫn hàng loạt quy định của luật chung, luật chuyên ngành; hàng loạt quy định của văn bản dưới luật để cho rằng đó là “nguyên tắc cơ bản”. Ngoài ra, người áp dụng cũng có thể dễ bị nhầm lẫn quy định của “nguyên tắc cơ bản” với các quy định, quy tắc bắt buộc của từng lĩnh vực, từng khía cạnh pháp luật cụ thể; điều đó dẫn đến nguy cơ áp dụng rộng rãi, thậm chí tùy tiện các quy định này dưới lớp áo “nguyên tắc cơ bản” khiến tỷ lệ phán quyết bị hủy, bị từ chối khá cao.

Vậy nên sử dụng thuật ngữ nào thay thế cho thuật ngữ “nguyên tắc cơ bản”? Một trong hai thuật ngữ có thể được đưa ra để xem xét lựa chọn, đó là “chính sách công - Public Policy” hoặc “trật tự công - Public Order”. Hiện nay, mặc dù đã được sử dụng khá phổ biến, nhất là trong lĩnh vực luật quốc tế hay luật hành chính, nhưng Việt Nam chưa có định nghĩa chính thống có tính chất pháp quy về cả hai thuật ngữ này. Thuật ngữ “chính sách công” được sử dụng nhiều trong khoa học chính trị, khoa học xã hội; đối với khoa học pháp lý tại Việt Nam, thuật ngữ này còn tương đối mơ hồ, chưa được giải mã cụ thể về nội hàm. Một số bài viết của các tác giả, khi dịch từ tiếng Anh “Public Policy” hoặc “Public Order” đã sử dụng thuật ngữ tiếng Việt là “trật tự công cộng”. Chúng tôi cho rằng sử dụng thuật ngữ tiếng Việt “trật tự công cộng” trong bối cảnh văn hóa pháp lý của Việt Nam cho những thuật ngữ tiếng Anh nêu trên là chưa phù hợp với nội hàm của các khái niệm đó. “Trật tự công cộng” tại Việt Nam đang được hiểu hẹp hơn rất nhiều so với phạm vi của hai khái niệm tiếng Anh nêu trên. Theo định nghĩa tại Từ điển Luật học của Bộ Tư pháp, “trật tự công cộng” là “trạng thái ổn định, có tổ chức, có kỷ luật ở nơi công cộng”(13). Trong tư duy của nhiều người Việt, khái niệm “trật tự công cộng” thường được gắn (một cách vô thức) với hành vi gây rối trật tự nơi công cộng; vì vậy, nếu sử dụng thuật ngữ này có nguy cơ dễ gây nhầm lẫn. Theo chúng tôi, có lẽ khái niệm “trật tự công” sẽ thuận lợi hơn khi diễn giải nội hàm của vấn đề này. Có thể tham khảo sự giải thích khái niệm “trật tự công” của pháp luật Pháp như sau: “Là quy tắc bắt buộc phải tuân thủ để bảo vệ lợi ích chung của xã hội, thể hiện toàn bộ những yêu cầu cơ bản của xã hội về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Nội dung, số lượng, phạm vi rộng hay hẹp của các quy tắc này thay đổi tùy theo từng nước, từng chế độ chính trị xã hội”(14).

(2) Dù chọn thuật ngữ nào thì Tòa án nhân dân tối cao cũng cần có hướng dẫn, giải thích cụ thể các tiêu chí khi áp dụng căn cứ vi phạm “chính sách công” hay “trật tự công”; ví dụ tiêu chí liên quan đến tính phổ quát về mặt chính trị, đạo đức, công lý, lợi ích của quốc gia của “chính sách công”, “trật tự công”; hoặc tiêu chí “xâm phạm nghiêm trọng”. Một phán quyết có thể đã vi phạm chính sách công hay trật tự công, nhưng chưa đến mức “nghiêm trọng” thì không nhất thiết quyết định ngay việc hủy hoặc từ chối công nhận, mà hãy cho các bên liên quan được quyền sửa đổi, bổ sung, khắc phục nếu sự vi phạm chưa ở mức độ “nghiêm trọng”; điều này cũng phù hợp với tinh thần của Công ước New York và Luật TTTM của Việt Nam.

(3) Tòa án nhân dân tối cao khi giải thích căn cứ áp dụng quy định hủy phán quyết trọng tài vì lý do trái với “nguyên tắc cơ bản”, cần có sự quán triệt một cách minh bạch và nhất quán về cách tiếp cận hẹp khi áp dụng căn cứ này; sao cho thể hiện được quan điểm ủng hộ việc thi hành các phán quyết của trọng tài, nâng cao uy tín của thiết chế trọng tài, cải thiện hành lang pháp lý, thúc đẩy sự phát triển của hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Về khía cạnh này, chúng tôi nhất trí cao với các giải pháp được đề xuất của tác giả Tưởng Duy Lượng qua bài viết “Một số vấn đề xem xét hủy phán quyết trọng tài”(15). Tòa án nhân dân tối cao cần nghiên cứu, lựa chọn các giải pháp thích hợp để đưa ra các giải thích, hướng dẫn thỏa đáng giúp cho việc áp dụng căn cứ này được thống nhất, đúng tinh thần của Công ước New York và Luật TTTM của Việt Nam.

(4) Hiện nay quyết định của tòa án về việc hủy phán quyết trọng tài là quyết định có hiệu lực thi hành ngay, các bên liên quan không thể kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. Tuy nhiên, cần có cơ chế giám sát việc ban hành các quyết định này của tòa án để bảo đảm các quyết định này không chỉ đáp ứng yêu cầu về tính hợp pháp mà còn đáp ứng yêu cầu về tính hợp lý; từ đó bảo vệ hữu hiệu hơn quyền, lợi ích hợp pháp của các bên, người thứ ba. Cơ chế giám sát quyết định hủy phán quyết trọng tài cũng góp phần giúp những người trực tiếp áp dụng pháp luật cân nhắc thận trọng hơn trước khi ban hành quyết định, tránh khuynh hướng lạm dụng như hiện nay.

(1)     Luật Trọng tài thương mại số 54/2010/QH12.

(2)     Công ước New York về công nhận các phán quyết của trọng tài nước ngoài được Liên hợp quốc thông qua ngày 10/6/1958. Hiện nay Công ước New York có 164 thành viên. Việt Nam gia nhập Công ước ngày 12/9/1995.

(3)     Tham khảo: Trường Đại học Queen Mary London, Báo cáo khảo sát “2021 International Arbitration Survey: Adapting Arbitration to a changing world”, tr. 5. Báo cáo này do Hãng luật quốc tế White &Case tài trợ, được thực hiện trên toàn cầu tại 39 quốc gia gồm châu Mỹ, châu Âu, Trung Đông, châu Phi và châu Á Thái Bình Dương với 1.218 người được hỏi thuộc các thành phần: luật sư, trọng tài viên, chuyên gia tại các tổ chức trọng tài, chuyên gia tư vấn nội bộ tại các khu vực tư, chuyên gia trong chính phủ và các cơ quan nhà nước.

(4)     Đỗ Hữu Chiến, Hủy phán quyết trọng tài thương mại theo pháp luật Việt Nam từ thực tiễn TP. Hồ Chí Minh, Luận văn Thạc sĩ Luật học (Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, 2017), tr. 8.

(5)     Bộ Tư pháp, Tài liệu Hội thảo “Hai mươi năm Công ước New York tại Việt Nam”, ngày 21/11/2014 tại Hà Nội.

(6)     Fred Burke, The 2015 report of the Investment and Trade Working Group, Vietnam Business Forum, Fred Burke, p.1, 2015.

(7)     Xem thêm: Đỗ Mến, Tranh cãi pháp lý vụ bán cổ phần trị giá hơn 2000 tỷ đồng, https://vneconomy.vn/tranh-cai-phap-ly-vu-ban-co- phan-tri-gia-hon-2-000-ty-dong.htm?fbclid=IwAR3XInHVEPUlr8_qtFUgZRKwuxWhNRyCWXZNo5i0zoffpbtAJe1pob6sb3A

(8)     Xem lập luận của Tòa án TP. Hà Nội tại Quyết định số 12/2023/QĐ-PQTT ngày 04/7/2023, tr. 22-23.

(9)     Sổ tay pháp luật về trọng tài và hòa giải, NXB Thanh niên, Hà Nội, 2017, tr. 98.

(10)   Tham khảo: Final ILA Report on Public Policy as a Bar to Enforcement of International Arbitral Awards, 2002, Rec 1(d).

(11)   Bộ Tư pháp - UNDP, Báo cáo đánh giá, so sánh quy định pháp luật Việt Nam về công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài với Luật Mẫu UNCITRAL, đề xuất khả năng áp dụng Luật Mẫu tại Việt Nam, Mục 3 Kinh nghiệm quốc tế, tr. 38-50.

(12)   https://globalarbitrationreview.com/article/saudi-centre-shares-annulment-data, ngày 18/8/2023.

(13)   Bộ Tư pháp, Từ điển Luật học, NXB Từ điển Bách khoa - NXB Tư pháp, Hà Nội, 2006, tr. 809.

(14)   Từ điển thuật ngữ pháp luật Pháp - Việt, NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2009, tr. 609.

(15)   Tưởng Duy Lượng, Một số vấn đề xem xét hủy phán quyết trọng tài, https://tapchitoaan.vn/mot-so-van-de-ve-xem-xet-huy- phan-quyet-trong-tai, ngày 13/9/2023.

Nguồn: Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam