Lớp học được thực hiện theo kế hoạch trong tổng thể khóa học bồi dưỡng nghiệp vụ Luật sư cả năm của Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai, trong đó có 06 đợt học, cùng với 06 chủ đề khác nhau, mỗi lớp có khoảng 60 Luật sư tham dự.
Nội dung chuyên đề đợt này là: “Thu thập chứng cứ trong vụ án dân sự – Những vấn đề lý luận và thực tiễn”do Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Tuyến trình bày. Chứng cứ là yếu tố quan trọng, bắt buộc phải có, làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án, là yếu tố mấu chốt giúp Tòa án xác định các tình tiết của vụ án, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án một cách đúng đắn, chính xác. Đây cũng là yếu tố cơ bản bảo vệ quyền lợi của đương sự và sự thành công của Luật sư khi tham gia tố tụng.
Trong buổi bồi dưỡng, Thạc sĩ Nguyễn Hồng Tuyến đã trình bày một số nội dung chính, cơ bản quy định của pháp luật và thực tiễn kỹ năng thu thập chứng cứ trong các vụ án dân sự, cụ thể:
– Chứng cứ, tầm quan trọng của chứng cứ: Khái niệm chứng cứ; Nguồn chứng cứ; Tầm quan trọng của chứng cứ; Cách xác định chứng cứ; Nghĩa vụ chứng minh; Những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh.
Những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh – Những tình tiết, sự kiện đã được ghi trong văn bản và được công chứng, chứng thực hợp pháp. – Một bên đương sự thừa nhận hoặc không phản đối những tình tiết, sự kiện, văn bản, kết luận của cơ quan chuyên môn mà bên đương sự kia đưa ra thì bên đương sự đó không phải chứng minh. – Đương sự có người đại diện tham gia thì sự thừa nhận của người đại diện là sự thừa nhận của đương sự. |
– Tầm quan trọng của chứng cứ và thu thập chứng cứ: Các biện pháp thu thập chứng cứ; Quyền và nghĩa vụ của Luật sư đối với việc thu thập chứng cứ; Quy định về yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ;…
Quyền và nghĩa vụ của Luật sư đối với việc thu thập chứng cứ Quyền của Luật sư: – Tiếp cận hồ sơ – Ghi chép, sao chụp tài liệu cần thiết trong hồ sơ. – Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý lưu giữ tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ đó cho mình. (Thực tế, trong nhiều năm qua, còn một số Luật sư chưa khai thác hiệu quả quyền này). – Yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ (Quyền này không ghi rõ trong điều luật. Tuy nhiên, trong thực tế thì các Luật sư vẫn thực hiện và vẫn được Tòa án chấp nhận). Nghĩa vụ của Luật sư: – Thu thập và cung cấp tài liệu chứng cứ cho Tòa án. – Giữ bí mật đối với tài liệu chứng cứ liên quan đến bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình theo yêu cầu chính đáng của đương sự mà Tòa án đã thông báo. – Chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ, bảo quản chứng cứ. |
– Thu thập chứng cứ đối với một số loại tranh chấp cụ thể, phổ biến: Thu thập chứng cứ đối với các tranh chấp xuất phát từ hợp đồng được giao kết bằng văn bản; Thu thập chứng cứ đối với các vụ án tranh chấp liên quan đến đất đai; Thu thập chứng cứ đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài Hợp đồng.
Với các chủ đề thiết thực, gắn chặt với nghề nghiệp Luật sư, số lượng học viên vừa đủ, không gian phòng học hợp lý cùng phương tiện dạy học theo tiêu chuẩn, sự tương tác giữa người trình bày, người học tích cực… là điểm nhấn của các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ Luật sư của Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai.
Hy vọng với cách làm này sẽ giúp các Luật sư từng bước sẽ có nhận thức đúng đắn về công tác bồi dưỡng Luật sư bắt buộc, nâng cao ý thức về bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. Qua đó góp phần nâng cao thực chất công tác bồi dưỡng nghiệp vụ Luật sư và chất lượng đội ngũ Luật sư.
THANH THANH