Lớp bồi dưỡng này gồm có 02 chuyên đề, gồm:
– Chuyên đề 1: Những vụ án oai sai nổi tiếng ở Việt Nam các vấn đề lý luận và thực tiễn do báo cáo viên Luật sư Nguyễn Đình Hải thực hiện.
– Chuyên đề 2: Những vi phạm phổ biến các quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp Luật sư hiện nay do báo cáo viên Luật sư Lê Quang Y thực hiện.
Với chuyên đề “Những vụ án oai sai nổi tiếng ở Việt Nam các vấn đề lý luận và thực tiễn”, tại lớp bồi dường, Luật sư Nguyễn Đình Hải cung cấp rất nhiều thông tin, kiến thức. Theo Luật sư, hoạt động tư pháp Việt Nam trong những năm qua đã có chuyển biến tích cực với nhiều kết quả đáng ghi nhận: Hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng ngày càng quy củ, có sự phối hợp thống nhất và hiệu quả; Việc xét xử các vụ án hình sự cơ bản bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; Đã hạn chế đến mức thấp các trường hợp kết án oan người không có tội.
Hầu hết các vụ án đã được đưa ra xét xử trong thời hạn luật định, chất lượng tranh tụng tại phiên tòa từng bước được nâng cao, tỷ lệ bản án, quyết định về hình sự bị sửa, hủy do lỗi chủ quan của hội đồng xét xử có xu hướng giảm hàng năm. Bên cạnh những thành quả đạt được, hoạt động tố tụng vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, đặc biệt là giai đoạn điều tra và xét xử vẫn còn để nhiều án oan, sai dẫn đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, người bị hại cũng như các đương sự trong vụ án hình sự, vụ việc dân sự, kinh tế bị xâm hại nghiêm trọng, gây mất lòng tin của nhân dân đối với công lý, giảm sút uy tín của cơ quan bảo vệ pháp luật.
Luật sư Hải đã cung cấp một số vấn đề pháp lý như:
– Khái niệm, đặc điểm của các vụ án oan, sai;
– Căn cứ pháp lý để xác định một công dân bị làm oan, sai;
– Nguyên nhân và hậu quả của các bản án oán, sai;
– Vai trò của Luật sư trong việc phòng ngừa và phát hiện các vụ án có dấu hiệu oan, sai.
Trong đó, đối với kỹ năng tranh trụng của Luật sư tại các phiên tòa hình sự xét xử các vụ án có dấu hiệu oan, sai. Theo Luật sư Hải, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 tiếp tục ghi nhận, nâng cao vai trò tranh tụng của Luật sư tại phiên tòa. Để đảm bảo việc tranh tụng hiệu quả, thuyết phục được Hội đồng xét xử và bào chữa tốt nhất cho thân chủ, Luật sư Hải cho rằng Luật sư cần đảm bảo một số yêu cầu sau:
Thứ nhất, cần nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ vụ án bao gồm: Bản cáo trạng, Bản kết luận điều tra của cơ quan điều tra, các văn bản pháp luật liên quan tới vụ án. Nghiên cứu kỹ văn bản tố tụng và các tài liệu liên quan tới vụ án. Đặc biệt, lưu ý về thẩm quyền điều tra và thực hiện các hoạt động điều tra, nghiên cứu kỹ các kết quả giám định, nên đọc bản kết luận điều tra và bản cáo trạng sau khi đã đọc các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án. Luật sư là người nắm rõ và tổng hợp được tất cả những vấn đề của vụ án, có sự đánh giá, phân tích khách quan đến từng chi tiết chứng cứ, tìm ra những mâu thuẫn trong lời khai, minh chứng là cơ sở để lập luận bảo vệ cho thân chủ của mình tại phiên tòa.
Thứ hai, cần gặp gỡ trao đổi trước khi phiên tòa được tiến hành nhằm củng cố tinh thần và niềm tin cho bị can, bị cáo, đặt ra các câu hỏi để hướng bị can, bị cáo nhớ, tường thuật lại tình tiết xảy ra trong vụ án, trả lời một cách trung thực, khách quan tại phiên tòa. bên cạnh đó cũng cần phải có kiến thức, kinh nghiệm trong việc hỏi, lấy lời khai khi tham gia tiếp xúc gặp gỡ bị can, bị cáo; có kinh nghiệm sử dụng các thiết bị để lưu trữ các thông tin do bị can, bị cáo cung cấp.
Thứ ba, cần thu thập một cách đầy đủ nhất các tài liệu chứng cứ quan trọng nhằm gỡ tội hoặc giảm nhẹ tội cho thân chủ trên tinh thần tuân thủ pháp luật, không đi ngược lại với đạo đức nghề nghiệp của Luật sư; Chuẩn bị kỹ các câu hỏi và chiến thuật hỏi đối với bị cáo, bị hại, nhân chứng và người liên quan theo hướng có lợi nhất để bảo vệ cho thân chủ.
Thứ tư, trong quá trình tham dự phiên tòa Luật sư phải chú ý lắng nghe kết hợp ghi chép tốc ký, Luật sư phải thực sự linh hoạt, ứng biến trong các tình huống diễn biến tại phiên tòa; Luật sư phải biết vận dụng nhuần nhuyễn kiến thức pháp lý và có chiến thuật trong việc đưa ra các câu hỏi cho người làm chứng, người liên quan để họ cung cấp các thông tin một cách chính xác, khách quan khi những tình tiết trong vụ án có tính chất mâu thuẫn bất hợp lý vận dụng để bảo vệ cho thân chủ.
Tại lớp bồi dường, Luật sư Lê Quang Y cũng đã trình bày chuyên đề về “Những vi phạm phổ biến các quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp Luật sư hiện nay”. Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam – Ban hành kèm theo Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ ngày 13/12/2019 của Hội đồng Luật sư toàn quốc.
Liên quan đến chuyên đề này, Luật sư Y đã cung cấp một số nội dung như:
– Khái niệm chung về qui tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư
– Vai trò, ý nghĩa của quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư.
Ngoài ra, Luật sư còn trình bày nội dung của Bộ quy tắc. Mỗi Luật sư phải lấy Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư làm khuôn mẫu cho sự ứng xử và tu dưỡng, rèn luyện để giữ gìn uy tín nghề nghiệp, thanh danh của Luật sư, xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội.
THANH THANH