Các vấn đề pháp lý cần lưu ý khi phát sinh tranh chấp kinh doanh thương mại

ĐOÀN LUẬT SƯ TỈNH ĐỒNG NAI

ĐOÀN LUẬT SƯ TỈNH ĐỒNG NAI

dong nai province bar association

Các vấn đề pháp lý cần lưu ý khi phát sinh tranh chấp kinh doanh thương mại

09/12/2022 03:48 PM

Sáng nay (09/12/2022), Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với Ban Quản lý chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị đối thoại với chuyên đề: "Các vấn đề pháp lý cần lưu ý khi phát sinh tranh chấp kinh doanh thương mại".

Luật sư Lê Quang Y, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai phát biểu tại Hội nghị.

Thời gian qua, các vấn đề phát sinh về tranh chấp kinh doanh thương mại của doanh nghiệp trong bối cảnh hậu Covid-19 đã và đang thu hút sự quan tâm đặc biệt tới từ doanh nghiệp và dư luận. Hội nghị nhằm thảo luận và tiếp nhận các ý kiến đóng góp thực tiễn tới từ đội ngũ Luật sư, các chuyên gia pháp lý, nhà làm luật và doanh nghiệp trong quá trình tư vấn, giải đáp các thắc mắc, khó khăn và vấn đề pháp lý khi phát sinh tranh chấp kinh doanh thương mại cho doanh nghiệp trong bối cảnh hậu Covid-19.

Tham luận của Thạc sĩ Trần Thị Thanh Hà, Thẩm phán Chánh tòa kinh tế TAND tỉnh Đồng Nai về thời hiệu khởi kiện và thực tiễn giải quyết án kinh doanh thương mại tại Tòa án. Vấn đề chế tài trong thương mại và thực tiễn áp dụng cũng được Luật sư Nguyễn Thị Anh, VPLS Nguyễn Phương Anh, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai làm rõ.

Thạc sĩ Ngô Thị Hồng Ánh, Khoa Luật kinh tế, Đại học Ngân hàng đã trình bày một số vấn đề liên quan đến tranh chấp về hợp đồng chứng nhận quyền sử dụng đất trong kinh doanh bất động sản và đề xuất định hướng hoàn thiện quy định của pháp luật. 

 

Tiếp đó, Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Cường, Phó Giám đốc CTCP TĐG Minh Phát đã chia sẽ những băn khoăn khi tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình. Theo ông Cường, trong thực tế hầu hết giấy chứng nhận quyền sử dụng đất người dân được cấp trong giai đoạn áp dụng Luật Đất đai năm 1993 tại các địa phương ở đều ghi “Hộ ông(bà)” mặc dù hồ sơ xin đăng ký cấp quyền sử dụng đất của người dân không hề có thông đăng ký hộ hay hộ gồm những ai. Khi phát sinh tranh chấp, Tòa án có văn bản hỏi cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đều được trả lời, việc ghi cấp cho “Hộ” là theo mẫu, thực tế, các cơ quan này cũng không xác định thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân thì hộ được cấp giấy gồm có những ai.

Tác giả cho rằng, đất chỉ là tài sản của hộ gia đình khi các thành viên trong hộ có công sức, tài sản đóng góp vào việc khai phá, tạo dựng hoặc nhận chuyển nhượng và họ phải là người đã thành niên hoặc từ trên 15 tuổi trở lên (trừ trường hợp được nhận thừa kế). Trường hợp cùng góp công sức khai phá thì phải là người đã trưởng thành không thuộc trường hợp chỉ phụ cha mẹ, ông bà khai phá đất trong khi cuộc sống và học tập của người đó chủ yếu do cha mẹ, ông bà chu cấp. 

Chia sẻ về một số băn khoăn khi hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tuyên bố phá sản Luật sư Nguyễn Thị Hồng Tuyến, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai kiến nghị nên có bổ sung quy định của Điều 38 Luật Phá sản; cần có hướng dẫn cụ thể về trường hợp như thế nào bị coi là “Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản không khách quan trong khi thực hiện nhiệm vụ”,... Đồng thời, cần có hướng dẫn cụ thể trường hợp vừa là chủ nợ vừa là người có quyền lợi liên quan thì sẽ xác định tư cách của họ như thế nào và khi họ đã hết hợp đồng thuê trong thời gian chờ giải quyết thủ tục phá sản, họ có thể di dòi tài sản đến vị trí khác mà không làm ảnh hưởng đến việc tiến hành thủ tục phá sản và giá trị tài sản của doanh nghiệp bị yêu cầu tuyên bố phá sản.

Nguyễn Thị Hồng Cẩm, Công ty Luật TNHH MTV Tri Ân, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai cũng đã có những trao đổi và chia sẻ về một số án lệ liên quan đến tranh chấp kinh doanh thương mại. 

Tại Hội nghị, các Luật sư, chuyên gia cũng đã có nhiều trao đổi về những vấn đề liên quan đến các tham luận và các vấn đề liên quan khác như: Kế toán, thuế, lao động trong doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như những khó khăn khi phát sinh tranh chấp.

Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp về tư vấn pháp lý quan trọng để các cơ quan hữu quan tham khảo, đưa ra quyết định phù hợp nhất, đảm bảo quyền, lợi ích của các bên liên quan, nâng cao hiệu quả trong công tác tư vấn, giải quyết các tranh chấp kinh doanh thương mại cho doanh nghiệp. 

PV