Trong những năm tháng xây dựng, phát triển và hội nhập của đất nước, các nhà trí thức, nhà khoa học luôn thể hiện vai trò đặc biệt quan trọng của mình. Trong đội ngũ ấy, không thể không nhắc tới những nữ trí thức tiêu biểu đã đóng góp tài năng và trí tuệ cho đất nước.
Giáo sư Hoàng Xuân Sính
Giáo sư Hoàng Xuân Sính là nữ giáo sư, tiến sĩ khoa học về Toán học đầu tiên của Việt Nam. Bà sinh ngày 8 tháng 9 năm 1933, là người làng Cót, Từ Liêm, Hà Nội (nay thuộc phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy). Bà mất mẹ khi mới 8 tuổi, cha của bà là ông Hoàng Thúc Tấn sau này là nhà tài trợ cho báo Thanh Nghị, một tờ báo có quan điểm dân tộc tiến bộ lúc đương thời.
Bà từng du học các bậc đại học, cao học và tham gia nghiên cứu, bảo vệ luận án tiến sĩ Toán học tại Pháp với sự hướng dẫn của nhà toán học nổi tiếng thế kỉ 20 là Giáo sư Alexander Grothendieck. Bà chính là người phụ nữ nước ngoài đầu tiên đến Paris bảo vệ thành công luận án tiến sĩ quốc gia về toán học.
GS.TSKH Hoàng Xuân Sính
Sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ của mình, tiến sĩ Hoàng Xuân Sính trở về Việt Nam giảng dạy môn Toán và tham gia biên soạn sách giáo khoa phổ thông, giáo trình đại học. Bà từng là chủ nhiệm bộ môn đại số, rồi chủ nhiệm khoa Toán tại Đại học Sư phạm Hà Nội. Bà cũng là một trong những người tham gia thành lập trường Đại học Thăng Long - đại học dân lập đầu tiên tại Việt Nam.
Hiện nay, giáo sư Sính là Chủ tịch hội đồng quản trị của Đại học Thăng Long. Ngoài ra, bà còn đồng thời tham gia nhiều hoạt động khác như: Thành viên Hội đồng xét tặng giải thưởng Kovalevskaya, Ủy viên Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Ủy viên Hội đồng Giáo dục Quốc gia, Ủy viên Hội đồng Từ điển bách khoa Việt Nam.
Bà đã được nhà nước Pháp trao Huân chương Cành cọ Hàn lâm vì những đóng góp cho việc phát triển và hợp tác khoa học giữa hai quốc gia Pháp - Việt, và được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân.
GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu
Giáo sư Phạm Thị Trân Châu sinh ngày 29 tháng 7 năm 1938, quê tại xã Điện Phong, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Bà là một trong những nhà khoa học đứng đầu ngành sinh-hóa của Việt Nam.Năm 1959, Phạm Thị Trân Châu tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội và sau đó giảng dạy tại Khoa Sinh học của trường. Năm 1974, bà làm luận án tiến sĩ tại Đại học Tổng hợp Lo’dz’ Ba Lan về đề tài nghiên cứu enzym và năm 1985, bà bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ khoa học.
Ngoài tham gia giảng dạy, GS Phạm Thị Trân Châu còn là người rất say mê nghiên cứu khoa học. Tính đến nay, bà là tác giả và đồng tác giả của hàng chục đề tài nghiên cứu (cả ứng dụng và cơ bản) cấp Nhà nước, cấp Bộ... mang lại lợi ích không nhỏ cho cộng đồng xã hội. Có thể kể đến các đề tài tiêu biểu do bà chủ trì như Nghiên cứu Proteinaz của dứa (bromalain); Nghiên cứu sản xuất và khả năng ứng dụng Proteinaz; Nghiên cứu sản xuất và ứng dụng Proteinaz phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi; Nghiên cứu sản xuất và ứng dụng Proteinaz phục vụ chế biến thực phẩm; Sản xuất chế phẩm Proteinaz, Protein điều hoà hoạt động Proteinaz và ứng dụng trong thực tế v.v…
Giáo sư Phạm Thị Trân Châu
Năm 1988, bà được trao giải thưởng khoa học cao quý nhất dành cho các nhà khoa học nữ: Giải thưởng Kovalevskaya. Cùng những đóng góp không mệt mỏi của mình, bà còn được phong danh hiệu Nhà giáo ưu tú cùng nhiều phần thưởng khác gồm Huân chương Lao động hạng Hai, hạng Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba; Huy chương Vì sự nghiệp Phát triển nghề Cá; Huy chương Vì sự nghiệp Khoa học Công nghệ; Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục; Huy chương Vì sự nghiệp Hòa bình, Hữu nghị giữa các dân tộc; Huy chương Vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc.
Năm 2011, Hội nữ trí thức Việt Nam được thành lập, Giáo sư, tiến sĩ khoa học Phạm Thị Trân Châu là trưởng ban vận động xây dựng Hội và được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội nhiệm kỳ 2011-2016.
GS.TSKH Võ Hồng Anh
Bà Võ Hồng Anh sinh năm 1939 và mất năm 2009. Bà là con gái của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tuổi thơ của bà không hề yên bình. Cha bà sang Trung Quốc hoạt động cách mạng khi bà mới vừa đầy năm. Võ Hồng Anh theo mẹ về Vinh sống với ông bà ngoại được hai năm thì mẹ bà bị chính quyền thực dân Pháp bắt và thế là bà lại về ở cùng ông bà nội. Năm 1944 thì mẹ bà mất vì bệnh thương hàn và hai năm sau đó bà mới được gặp cha khi đó đang là lãnh đạo cao cấp của cách mạng, nhưng ngay sau đó lại tới 5 năm sau cha con bà mới lại gặp được nhau.
Năm 1954, Võ Hồng Anh sang Liên Xô (cũ) theo học Trường Thiếu nhi Việt Nam Internat Moskva. Năm 1959, bà tốt nghiệp Phổ thông với Huy chương vàng. Sau đó, bà theo học ngành Vật lý lý thuyết lượng tử, Đại học Tổng hợp Quốc gia Lomonosov Moskva và tốt nghiệp hạng ưu năm 1965. Bà về Việt Nam làm cán bộ nghiên cứu thuộc Ban Toán - Lý, Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước cho tới năm 1966 thì quay trở lại Liên Xô làm nghiên cứu sinh. Năm 1969, bà bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ ngành Toán - Lý về “Lý thuyết Plasma”.Sau khi làm việc tại Trung tâm Vật lý lý thuyết, Viện Vật lý, Viện Khoa học Việt Nam, rồi sang Liên Xô làm tại Viện Liên hợp Nghiên cứu hạt nhân Dubna, bà tiếp tục bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Toán - Lý với đề tài “Lý thuyết tác động tham số của bức xạ điện tử mạnh lên các tinh thể...” năm 1982.
Cố GS.TS Võ Hồng Anh và bố - Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Năm 1983, Võ Hồng Anh về nước công tác tại Viện khoa học Việt Nam và được phong hàm giáo sư. Sau này bà còn giữ nhiều chức vụ tại các cơ quan nghiên cứu đầu ngành của đất nước. Năm 1988, giáo sư Võ Hồng Anh trở thành người phụ nữ đầu tiên của ngành Vật lý được tặng Giải thưởng Khoa học Kovalevskaya.
Dương Phúc (Nguồn: vusta.vn)