PGS-TS Trần Việt Dũng nói rằng nghề luật sư càng ngày càng quan trọng, có vị trí trong xã hội, đồng thời cũng đối mặt với rất nhiều vấn đề về chuyên môn...
Ngày 13-7, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Trường ĐH Luật TP.HCM, Đoàn Luật sư TP.HCM phối hợp của Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai, Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ tổ chức Tọa đàm Kết nối Luật sư 2024.
Tại tọa đàm, PGS-TS Trần Việt Dũng (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng trong bối cảnh đất nước phát triển, nghề luật sư ngày càng quan trọng, có vị trí trong xã hội, đồng thời cũng đối mặt với rất nhiều vấn đề về chuyên môn trong nền kinh tế thị trường cũng như trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Các bên liên quan như cơ sở đào tạo, các trung tâm giải quyết tranh chấp như VIAC cùng Đoàn Luật sư rất quan tâm để nâng cao chất lượng và chuyên môn cũng như kết nối các luật sư. Chính vì lý do đó, các bên đã có sự bàn bạc và tiến tới xây dựng sự liên kết giữa các Đoàn luật sư, VIAC và Trường ĐH Luật TP.HCM, là cơ sở đào tạo luật hàng đầu tại Việt Nam để tổ chức các sự kiện giúp cho các luật sư bổ sung kiến thức chuyên môn thường xuyên .
Ông Dũng mong rằng thông qua sự kiện này, các hoạt động về kết nối luật sư và hoạt động giữa các tổ chức sẽ thường xuyên được tổ chức để giúp cho các luật sư nâng cao trình độ chuyên môn cũng như nâng cao sự kết nối của các luật sư miền Nam và luật sư trên cả nước.
Tỉ lệ luật sư trong các vụ tranh chấp tại VIAC đạt tới 87,9%
Tiếp đến, Luật sư Vũ Ánh Dương (Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch thường trực Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam) cho biết tính đến năm 2023, tỉ lệ luật sư trong các vụ tranh chấp tại VIAC đạt tới 87,9%. Ông Dương đánh giá đây là một con số vô cùng lớn, điều đó cho thấy sự cẩn thận của các bên và sự chuyên nghiệp hơn của luật sư.
Theo ông Dương, từ góc độ tổ chức điều phối hoạt động giải quyết tranh chấp, VIAC cũng khuyến khích sự tham gia của luật sư trong quy trình tố tụng trọng tài; bởi lẽ, việc các luật sư tham gia, trong phần đa các vụ việc, đều giúp các bên và kể cả Hội đồng Trọng tài tiết kiệm thời gian giải quyết, thúc đẩy hiệu quả các giai đoạn trong tiến trình tố tụng.
Dẫn đề, luật sư Nguyễn Văn Hậu (Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng sử dụng dịch vụ pháp lý, luật sư cần cập nhật liên tục, không ngừng cải thiện kỹ năng hành nghề của mình, trở thành điểm tựa vững chắc cho khách hàng, đóng góp cho sự phát triển của các ngành, nghề khác trong xã hội. Theo đó, luật sư không chỉ phải liên tục trau dồi, nâng cao kỹ năng nhận diện, đánh giá và xử lý đối với các vấn đề pháp lý phát sinh ở từng lĩnh vực cụ thể mà còn được yêu cầu có kỹ năng, áp dụng thuần thục quy trình, thủ tục tố tụng.
Vì vậy, theo luật sư Hậu, vấn đề về kiểm soát tốt quy trình tố tụng, đặc biệt đối với tố tụng trọng tài cần phải được đào tạo một cách bài bản và nghiêm túc, để luật sư có thể đi cùng với xu hướng chung, nhất là khi việc giải quyết tại trọng tài được dự đoán sẽ còn phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam trong thời gian tới.
Tọa đàm gồm 3 phiên thảo luận. Mỗi phiên sẽ tập trung thảo luận về các vấn đề phát sinh và kỹ năng của luật sư trong việc kiểm soát quy trình tố tụng trọng tài.
Cũng tại sự kiện, Trường ĐH Luật TP.HCM và VIAC đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác với các Đoàn Luật sư các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Cần Thơ nhằm định kỳ triển khai nhân rộng mô hình ý nghĩa này cũng như phối hợp cho nhiều hoạt động ý nghĩa khác trong tương lai.
Trong đó, ĐH Luật TP.HCM sẽ cùng các Đoàn Luật sư triển khai chương trình tham quan, thực tập, tập sự nghề nghiệp; chương trình hướng nghiệp - phát triển kỹ năng; liên kết đào tạo; hợp tác tổ chức hội thảo chuyên đề...
Nguồn: Báo Pháp Luật TP. HCM